Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam

Hotline: 0932723620 0904537035
Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam
Ngày đăng: 30/08/2024 11:04 AM

    (Chinhphu.vn) - Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ trình lên Chính phủ vào tháng 9/2024.

    Cần sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam- Ảnh 1.

    Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) kiến nghị các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn tràn vào thị trường Việt Nam - Ảnh minh họa

    Theo dữ liệu Hải quan, tính riêng tháng 6, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), bằng 151% sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.

    Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác. Giá trị kim ngạch nhập khẩu HRC 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD.

    Về giá thép cán nóng nhập khẩu, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác từ 45-108USD/tấn.

    Thép nội chưa có sản phẩm chất lượng cao

    Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phân tích rõ hơn: Năm 2023, năng lực sản xuất phôi của toàn ngành thép Việt Nam là khoảng 28 triệu tấn/năm, trong đó thép cuộn cán nóng (HRC) là 7-8 triệu tấn/năm, thép xây dựng (khoảng 14 triệu tấn) đảm bảo 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và một phần cho thị trường xuất khẩu. 

    Bên cạnh đó, cơ cấu nguyên liệu phục vụ sản xuất có 42% thép được sản xuất từ nguyên liệu là thép phế (chủ yếu là nhập khẩu) và 58% được sản xuất từ lò cao, sử dụng nguyên liệu là quặng sắt. Thép còn dùng để phục vụ ngành cơ khí, chế tạo. 

    “Thép cuộn cán nóng HRC trong nước hiện chỉ sản xuất được 8 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu là 10 triệu tấn. Ngành thép còn bị phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài dẫn đến tình trạng bị động về giá”, Cục Công nghiệp nhìn nhận.

    Theo ông Nguyễn Hữu Trường Hưng, đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương): Trong tương lai gần, ngành thép sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc do quy mô sản xuất nhỏ và chi phí sản xuất vẫn còn cao. Đồng thời, có rất nhiều sản phẩm thép trong nước vẫn đang phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc.

    Hầu hết các doanh nghiệp trong nước hiện vẫn chỉ có khả năng sản xuất các sản phẩm thép cơ bản, phục vụ ngành bất động sản và chưa có khả năng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao phục vụ ngành cơ khí chế tạo như: Thép làm vỏ ô tô, thép làm vỏ tàu. Bên cạnh đó, tình trạng "cung vượt cầu" của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả trở nên khốc liệt hơn. Ngoài ra, thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tải quốc tế tăng… cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép.

    Cần sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam

    Trước những khó khăn hiện nay, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại đối sản xuất thép ở nước ngoài.

    Trong động thái bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự đổ bộ của hàng nhập khẩu, ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

    Cũng trong ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) từ Ấn Độ và Trung Quốc.

    Để gỡ khó cho ngành thép, về hỗ trợ vay vốn, Bộ Công Thương đã đề xuất Bộ Tài chính rà soát, cập nhật và có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu phù hợp đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá; đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại triển khai các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, sản xuất, kinh doanh thép.

    Đồng thời, Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến trình lên Chính phủ vào tháng 9/2024.

    Ngoài ra, cơ quan này cũng đang hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật phát triển công nghiệp trọng điểm. Mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

    Theo Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép,… Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Úc…, trong đó Hoa Kỳ là nước điều tra nhiều nhất với Việt Nam.

    Gần đây nhất, sau một thời gian dài không không sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại trực diện với Việt Nam, tháng 8/2023, EU đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép không gỉ cán nguội Việt Nam với cáo buộc lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng đối với Indonesia.

    Zalo
    favebook